Phủ Tây Hồ - chốn linh thiêng giữa lòng Thủ Đô 

Phủ Tây Hồ là nơi tâm linh linh thiêng mang trong mình những câu chuyện lịch sử huyền bí, những nét kiến trúc mang đậm dấu ấn Việt Nam. Đây là một trong số những địa danh nổi tiếng của Thủ Đô Hà Nội mà bất kỳ ai khi đến với Hà Nội cũng một lần ghé thăm. Cùng Hanoi Tokyo Hotel tìm hiểu những nét đẹp của phủ Tây Hồ và những thông tin thú vị liên quan đến địa danh này nhé!

Giới thiệu về phủ Tây Hồ, Hà Nội

Lịch sử hình thành

Phủ Tây Hồ hay còn gọi là phủ Mẫu Tây Hồ nằm ở mảnh đất làng Nghi Tàm của kinh thành Thăng Long, nay thuộc phường Quảng An, quận Tây Hồ, TP Hà Nội. 

Phủ Tây Hồ là chốn linh thiêng, thờ Chúa Liễu Hạnh - bà là một trong những vị thánh của tín ngưỡng tứ phủ mà cụ thể là tín ngưỡng thờ Mẫu - một trong những tín ngưỡng có lịch sử lâu đời và vô cùng độc đáo của Việt Nam.

Phủ Tây Hồ, Hà Nội
Phủ Tây Hồ, Hà Nội

Theo truyền thuyết, Chúa Liễu Hạnh có tên thật là Quỳnh Hoa và là con gái thứ hai của Ngọc Hoàng. Trong một lần làm vỡ ly ngọc quý của vua cha Ngọc Hoàng nên bà đã bị đày xuống hạ giới. Xuống hạ giới, bà chu du khám phá khắp mọi nơi của mảnh đất An Nam xưa. Trong một lần đi qua Tây Hồ, bà Chúa Liễu Hạnh phát hiện ra đây là nơi địa linh sơn thủy hữu tình, bà quyết định ở lại đây và mở quán nước làm cớ vui thú văn chương giữa cảnh sắc thiên nhiên huyền diệu. Trong khoảng thời gian ở đây, bà đã diệt trừ rất nhiều yêu mai quỷ quái và trừng phạt quan tham ô, bảo vệ được dân chúng, bản chất bà là một người sống tốt, lương thiện, tài hoa nên đã được người dân tôn là Thánh mẫu.

Phủ Tây Hồ, Hà Nội
Phủ Tây Hồ, Hà Nội

Trong thời gian sinh sống, bà đã gặp Trạng Bùng - Phùng Khắc Khoan, cùng nhau nhau vịnh bài thơ "Tây Hồ ngự quán" vẫn còn được lưu truyền mãi tới đời nay. Nhưng sau khi lên kinh thành bái kiến nhà vua trở về, Phùng Khắc Khoan đã không gặp lại được bà bởi bà đã rời đi. Để nguôi ngoai nỗi nhớ, ông đã cho lập đền để thờ người tri âm. Kể từ đó, phủ Tây Hồ ra đời và được lưu truyền cho tới ngày nay.

Kiến trúc phủ Tây Hồ

Phủ Tây Hồ có 4 ban chính bao gồm Phủ chính, Điện Sơn Trang, Lầu Cô, Lầu Cậu. Mỗi ban đều có những kiến trúc khác nhau, được thiết kế rất tinh tế, tỉ mỉ. Trong đó:

  • Phủ chính là nơi lớn nhất với mặt trước là cửa tam quan 2 tầng, trên mái có ghi “Tây Hồ hiển tích” bằng tiếng Hán rất tỉ mỉ, công phu. Bốn cánh cửa giữa phần trên chạm hoa văn tứ quý, phần dưới chạm hoa văn tứ linh, giữa chạm họa tiết đào thọ.
  • Bên cạnh Tam quan là Điện Sơn Trang có 3 tầng, 8 mái cong. Trong đó lòng nhà có 2 tầng, tầng trên thờ Quan Âm, tầng dưới là 3 gian với 3 động Sơn Trang.
  • Ở ngoài sân của phủ Tây Hồ là khu nhà khách lầu Cô và lầu Cậu.
Quang cảnh Phủ Tây Hồ
Quang cảnh Phủ Tây Hồ

Thời gian mở cửa 

Đối với những ngày bình thường, Phủ Tây Hồ đều mở cửa từ 5h sáng đến 19h để đảm bảo thời gian thờ cúng và tham quan của du khách. Vào 2 ngày lễ hội chính là ngày 03/03 âm lịch và 13/8 âm lịch Phủ Tây Hồ sẽ đóng cửa muộn hơn bởi những ngày này số lượng du khách đến tham quan và lễ viếng đông hơn bình thường. Đặc biệt vào các ngày rằm, mùng 1 hàng tháng hay những ngày lễ lớn, du khách thập phương đến tham quan tại Phủ rất đông. Do đó, bạn hãy chủ động sắp xếp thời gian để đi lễ phủ một cách hợp lý nhất nhé! 

Thời gian mở cửa phủ Tây Hồ
Thời gian mở cửa phủ Tây Hồ

 

Đến phủ Tây Hồ cần những gì?

Đến phủ Tây Hồ con người ta sẽ tìm thấy sự bình yên trong tâm hồn và qua đó cầu chúc cho bản thân, gia đình gặp nhiều may mắn và bình an. Vậy đến Phủ Tây Hồ cần chuẩn bị những gì? Tùy vào sự thành tâm của mỗi người mà có thể mua sắm những lễ vật khác nhau. Bạn có thể tham khảo danh sách dưới đây: 

- Đối với lễ chay: hương, trái cây tươi, tiền, vàng mã,…

- Lễ đồ mặn: thịt heo, thịt gà, giò, chả hay một số món ăn đã được nấu chín.

- Đối với lễ sống: muối, gạo, trứng, xôi chè,…

- Lễ ban thờ ở lầu Cô, lầu Cậu thường là hoa quả, vàng hương, mũ, áo,…

Khi dâng lễ và thắp hương phải làm theo đúng thứ tự các ban thờ. Dâng lễ lên trước rồi mới thắp hương, chắp hai tay thành tâm cầu khấn tài lộc, may mắn,... 

Quy trình dâng hương, lễ vái tại phủ Tây Hồ

Nơi thâm nghiêm và sâu nhất của Phủ Tây Hồ là hậu cung, chính giữa là ban thờ Mẫu và là Tam tòa Thánh Mẫu theo tín ngưỡng tâm linh của người Việt.

Tượng Mẫu Liễu Hạnh được đặt ở giữa, bà mặc áo đỏ và trùm khăn đỏ. Bên trái thấp hơn sẽ là Mẫu Thượng Ngàn, mặc áo xanh và trùm khăn xanh. Bên phải là bàn thờ Mẫu Thoải, mặc áo trắng và chùm khăn trắng. Ba vị mẫu là đại diện cho năng lực tạo nên chúng sinh muôn loài, là cội nguồn của sự sống và đưa đến cho con người cuộc sống hạnh phúc ấm no. Nối tiếp ra bên gian ngoài là ban thờ Ngọc Hoàng thượng đế, Nam Tào, Bắc Đẩu và hội đồng các quan, quan Hoàng Bảy, quan Hoàng Mười.

Chính cung
Chính cung

Sau khi lễ xong phủ chính bạn sẽ tham quan và lễ ở Điện Sơn Trang:

Điện Sơn Trang là nơi thờ Thượng Ngàn Thánh mẫu – vị mẫu đứng ngôi thứ 2 trong Tam Tòa Thánh Mẫu được đặt bên phải phủ chính. Thượng Ngàn Thánh Mẫu tuy đã có mặt trong hệ Tam toà nhưng ở đền thờ Mẫu vẫn còn có ban thờ Chúa Sơn Trang riêng.

Bên cạnh đó Điện còn có chầu lục chầu bé cùng 12 cô sơn trang đi theo hầu Mẫu Thượng Ngàn. Tượng Ngũ Hổ được thờ ở Hạ Ban – bàn thờ phía dưới của ban thờ Công Đồng. Hai ông Lốt – ông rắn màu trắng và màu xanh quấn quanh hai thanh xà ngang thuộc tầng cao nhất của điện. Điện Sơn Trang là nơi du khách cần lễ sau khi đã hoàn thành lễ tại phủ chính.

Cuối cùng du khách đến lễ ở lầu cô, lầu cậu:

Lầu cô lầu cậu nằm ở bên ngoài và tọa lạc ở hai bên trái phải của phủ chính. Đây là nơi thờ những người cận hầu của các vị quan trong Phủ. Sau khi lễ Điện Sơn Trang, du khách sẽ tiếp tục lễ ở lầu cô lầu cậu.

Với nghi thức hạ lễ, hóa vàng, du khách sau khi thắp hương cần đợi hương tàn, sau đó đưa tay vái ba vái trước mỗi ban thờ rồi hạ tiền vàng đi hóa. Khi hóa, cần hóa từng lễ một theo thứ tự ở ban thờ phủ chính trước sau đó đến các ban khác. Sau khi hóa tiền, vàng xong mới bắt đầu hạ lễ. Hạ lễ xuống bạn nên tản lộc cho một vài người xung quanh để mọi điều của mình dễ dàng, thuận lợi hơn. 

Lưu ý khi đến Phủ Tây Hồ, Hà Nội

Phủ Tây Hồ là nơi trang nghiêm nên đến với phủ mọi người hãy chú ý ăn mặc lịch sự, không nói chuyện lớn tiếng, không bình phẩm bất kỳ thứ gì, cũng như không được sờ vào tượng, vật lễ tế,.. Ngoài ra các gia đình có con nhỏ cũng chú ý không để các em bé nô đùa, nghịch ngợm và chú ý khoảng cách khi tham quan, lễ vái.

Phủ Tây Hồ Hà Nội không chỉ thu hút bởi những nét độc đáo trong kiến trúc thiết kế, mà còn thu hút bởi sự linh thiêng, đem lại may mắn, bình an cho mọi người. Nếu bạn có cơ hội đến Hà Nội, hãy ghé thăm Phủ Tây Hồ để tâm hồn được nhẹ nhàng, bình yên nhé! Đừng quên truy cập website https://hanoitokyohotel.com để cập nhật những thông tin hữu ích nhé!