Thành Cổ Loa - Tòa thành cổ kính và uy nghi giữa lòng Hà Nội

Thành Cổ Loa là di tích lịch sử nổi tiếng tại Hà Nội mang đậm các giá trị lịch sử và văn học nghệ thuật gắn liền với nhiều truyền thuyết của dân tộc Việt Nam. Đây là một trong những địa danh nổi tiếng, đưa con người ta trở về với quá khứ, với những sự tích xa xưa và trầm trồ không ngớt trước kỳ quan kiến trúc của cha ông ta từ hàng ngàn năm nay. Cùng Hanoi Tokyo Hotel khám phá nét cổ kính và uy nghi của công trình mang tính lịch sử này nhé!

Cổ Loa - Thành cổ gắn liền với giai thoại lịch sử của dân tộc

Nước Việt ta 4 ngàn năm lịch sử, trải dài qua dòng đời câu chuyện lịch sử thần kỳ như: nhận gươm vàng giết giặc Minh của vua Lê, phá giặc Ân của Thánh Gióng,... hay nổi bật nhất là câu chuyện Nỏ thần và xây thành ốc của An Dương Vương. Đã bao giờ bạn tìm hiểu, trong câu chuyện cổ thần kỳ ấy, thành trì nổi tiếng Cổ Loa xuất hiện và tồn tại như thế nào chưa?

Thành Cổ Loa không chỉ gắn liền với những truyền thuyết của dân tộc Việt Nam mà còn là điểm tham quan độc đáo tại Hà Nội
Thành Cổ Loa không chỉ gắn liền với những truyền thuyết của dân tộc Việt Nam mà còn là điểm tham quan độc đáo tại Hà Nội

Nằm tại xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội, thành Cổ Loa là thành cổ lâu đời với diện tích xây dựng tới 500ha tọa lạc trên  trải rộng trên địa phận 3 xã là Cổ Loa, Việt Hùng, Dục Tú. Tòa thành này có nhiều tên gọi khác nhau như Loa thành (thành Ốc), thành Côn Lôn, thành Tư Long, Cửu thành, Thành Việt Vương, thành Khả Lũ, Cổ Loa thành. Đến thế kỷ thứ X, thời kỳ Ngô Quyền làm vua, Cổ Loa lại trở thành kinh đô lần thứ hai.

Thành Cổ Loa là tòa thành cổ nhất trong lịch sử Việt Nam,được xây dựng hoàn toàn bằng đất,với các xây dựng độc đáo theo hình xoắn ốc,một kỹ thuật rất hay để ngăn cản quân địch. Theo lịch sử, tòa thành có 9 vòng xoắn ốc, tuy nhiên đến hiện tại chỉ còn lại 3 vòng do trải qua vô số năm tháng và sự tàn phá của chiến tranh.

Đây là một công trình mang tính biểu tượng, có giá trị sâu sắc về văn hóa và tinh thần của dân tộc Việt Nam. 

Kiến trúc xây dựng thành Cổ Loa

Thành Cổ Loa là công trình kiến trúc được xây dựng với quy mô độc đáo của nhà nước Âu Lạc. Nơi đây từng là hệ thống phòng ngự vững chắc và có lực lượng binh sĩ hùng mạnh. Cho tới ngày nay dù không còn là thành lũy chống giặc ngoại xâm nhưng thành Cổ Loa vẫn là một biểu tượng văn hóa, cho thấy nền văn minh tiên tiến của nước ta từ thời Âu Lạc.

Kiến trúc xây dựng thành Cổ Loa
Kiến trúc xây dựng thành Cổ Loa
  • Thành ngoại là vòng ngoài cùng, tập trung vun xới và lấp đất xây lũy liền kề với chu vi 8km. Chiều cao trung bình của các lũy thành từ 4 – 5m tuy nhiên cũng có một vài lũy đặc biệt được xây cao tới 8 – 12m.

  • Thành trung: Được xây dựng có kết cấu như thành ngoại nhưng thành trung được xây dựng với diện tích hẹp và kiên cố hơn, chu vi chỉ khoảng 6,5km.

  • Thành nội: Đây là nơi ở của vua  An Dương Vương cùng các cung tần, mỹ nữ và quan lại dưới triều, có chu vi khá nhỏ chỉ khoảng 1,65km. Ngày nay khu vực này đã được nhân dân xây dựng đền thờ vua An Dương Vương, công chúa Mỵ Châu và là nơi quy tụ những công trình kiến trúc lịch sử nổi tiếng.

Thành Cổ Loa chủ yếu được xây bằng đất, sau đó là đá và gốm vỡ. Đá Kè được dùng xây chân thành để vững chắc nhất, đặc biệt là cách chân thành sát sông, ven đầm thì sẽ cần nhiều đá hơn.

Di chuyển tới thành Cổ Loa như thế nào?

Nằm tại Đông Anh, TP Hà Nội, chỉ cách trung tâm khoảng 20km, bạn sẽ dễ dàng di chuyển tới thành Cổ Loa bằng 3 phương tiện chính là xe máy, ô tô hoặc xe bus. Tuyến đường khá dễ dàng và không có trở ngại.

Nếu bạn đi xe bus, bạn chỉ cần ngồi 1 mạch trên tuyến 15,17,43,46...với giá 7.000đ là sẽ di chuyển thẳng tới thành Cổ Loa và thoải mái khám phá những nét đẹp tại đây.

Khu di tích thành Cổ Loa có gì?

Ngoại thành Cổ Loa

Thành ngoại có tổng chiều dài lên tới 8000m và tường thành cao từ 3-4m. Cấu trúc này tạo cho thành Cổ Loa như trở thành một mê cung thực sự. Trong đó, nổi bật lên một số địa điểm như Đền thờ An Dương Vương; Ngự triều di quy – đình Cổ Loa; Đền thờ Cao Lỗ; Am Bà Chúa; Giếng Ngọc…

Đền thờ An Dương Vương

Du lịch thành Cổ Loa phải kể đến đầu tiên đền thờ An Dương Vương hay còn gọi là Đền Thượng – nơi vua ở trước kia. Kiến trúc của khu đền thờ cũng rất độc đáo qua các hình chạm khắc và những linh vật trước cổng đền.

Giếng Ngọc thành Cổ Loa

Giếng Ngọc nằm giữa hồ Bán Nguyệt và cũng ngay cửa đền vua An Dương Vương. Nước trong giếng Ngọc nếu nhìn từ xa sẽ thấy màu hơi đỏ ngầu, nổi bật giữa màu nước hồ trong xanh và cây cối mát mẻ.

Giếng Ngọc Thành Cổ Loa
Giếng Ngọc Thành Cổ Loa

Theo truyền thuyết xưa kể lại, đây là nơi Trọng Thủy đã từng gieo mình xuống vì quá hối hận và thương tiếc cho nàng Mỵ Châu.

Ngự Triều Di Quy – đình Cổ Loa

Ngự Triều Di Quy là nơi trước đây vua thường thiết triều. Nơi này được xây dựng bề thế với nhiều nét kiến trúc tiêu biểu như Tứ linh và Tứ quý. Dưới thời nhà Lê, ngôi đình này được dựng lại vững chãi và lưu giữ giá trị gần như nguyên vẹn cho tới tận ngày nay.

Am Bà Chúa

Tương truyền, đây là nơi an nghỉ của Mỵ Châu. Bởi khi nàng gieo mình xuống biển tự vẫn, ngư dân gần đó thấy một tảng đá hình người không đầu dạt vào bờ biển, toan hô người khiêng về thì đi đến khu vực gốc đa (nay là Am Bà Chúa) thì đứt gánh. Vậy nên đã lập tại nơi đây một am thờ, dưới bóng mát của cây đa nghìn năm tuổi.

Am Bà Chúa
Am Bà Chúa

Đền thờ Cao Lỗ – Ông tổ vũ khí của nước Việt

Cao Lỗ là vị tướng tài ba dưới thời vua An Dương Vương. Ông là tác giả của cây nỏ thần – Nỏ Liên Châu và chính ông cũng là người chỉ huy trực tiếp việc xây thành Cổ Loa. Đền thờ được dựng lên để tưởng nhớ công lao to lớn của vị tướng này.

Kinh nghiệm tham quan Thành Cổ Loa

Vé vào: 10.000

Thời gian: 6h30-18h

Nên đi tham quan thành Cổ Loa vào dịp đầu năm khi Lễ hội thành Cổ Loa kéo dài từ mùng 6 cho đến ngày 16 tháng Giêng hàng năm. Cũng giống như giỗ tổ Hùng Vương, đây là dịp để người dân tưởng nhớ công lao đắp lũy xây thành của Thục Vương. Bên cạnh đó mọi người cũng đến đây để cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi và một năm mới an lành.

Đến với khu di tích thành Cổ Loa, bạn sẽ được trở về quá khứ, sống trong những câu chuyện sự tích về Mỵ Châu – Trọng Thủy; trầm trồ không ngớt trước kỳ quan kiến trúc vững chãi, uy nghi của cha ông ta hàng ngàn năm nay. Đây cũng là một trong những di tích lịch sử quan trọng của không chỉ của người dân Hà Nội mà còn của cả dân tộc Việt Nam. Nếu có dịp ghé Hà Nội vậy tại sao không tìm về cội nguồn?